“Hãy tin rằng mọi vấn đề, dẫu từng rất khủng khiếp và khiến em cảm thấy kiệt quệ, thật ra đều có thể giải quyết”

Photo of author

By THPT An Giang

[ad_1]

Nội dung đang xem: “Hãy tin rằng mọi vấn đề, dẫu từng rất khủng khiếp và khiến em cảm thấy kiệt quệ, thật ra đều có thể giải quyết”

11 năm trước, tôi đứng trên lan can tầng 3 nhà mình, một chân thụt hẳn ra ngoài, vớt vát chút can đảm còn sót lại để thả rơi bản thân và chấm dứt mọi thứ. Từ một người vừa kết thúc năm học với điểm tổng kết gần 9.0 và giữ chức lớp phó học tập, mỉa mai làm sao khi tôi rớt cả 3 nguyện vọng, không biết phải về đâu khi ngày nhập học chỉ còn cách 72h và vừa bị bố đuổi ra khỏi nhà trong một chiều mưa tầm tã của Sài Gòn.

Đối diện nhà tôi là một gia đình vừa nói lời tiễn biệt cậu con trai 15 tuổi cách đây không lâu. Cậu bé thắt cổ tự tử ngay trong phòng khi cả nhà đã ngủ say, và căn phòng đó nằm ở lầu 2, nhìn thẳng sang phòng tôi. Tôi chưa từng có dịp nói chuyện với cậu bé hay bất kì ai trong gia đình kia, chỉ biết rằng đó là một đối thủ đáng gờm trong… làng thức khuya vì ngày nào phòng tôi và cậu đều thi nhau sáng đèn đến 2 – 3h sáng. Thậm chí nhiều hôm các bác trong xóm lục đục í ới nhau đi tập thể dục nhưng bên kia vẫn lập loè ánh đèn bàn học.

Từ vài mẩu chuyện chắp vá được mẹ kể lại trong bàn ăn, tôi biết trong bữa ăn sáng hôm đó, cậu bé đã bóng gió nhắc đến cụm từ “bữa ăn cuối cùng”, như một cách gửi đi thông điệp thể hiện sự bất lực của mình. Hoá ra những đứa trẻ vẫn luôn ngầm đưa ra tín hiệu nào đó, chỉ là người xung quanh có đủ tinh ý để nhận ra hay không.

—-

Tối qua tôi khựng lại khi đọc đến dòng “Mẹ rất quan tâm nhưng luôn làm sai, luôn thái quá…” trong bức thư cậu học sinh ở Hà Nội viết vội trước khi đi đến quyết định đau lòng. Một câu nói đơn giản, không màu mè nhưng lại mang hàm ý rất lớn, đủ sức khiến hàng triệu người đã, đang và từng trẻ phải thốt lên: Tôi hiểu cảm giác này!

Xem thêm:  Người không biết bơi, đổi bể vẫn không thể bơi - sai lầm chí mạng khiến "ma cũ" và "ma mới" công sở mãi có thái độ thù địch

Người nước ngoài có cụm từ “helicopter parents” (phụ huynh trực thăng) dùng để chỉ những bậc bố mẹ giám sát con cái kĩ lưỡng quá mức cần thiết. Họ yêu thương con, nhưng đồng thời mang đầy đủ những đặc tính của một chiếc trực thăng cơ động: có mặt ở mọi nơi, luôn bay rà soát trên cao và sẵn sàng phát tín hiệu mỗi khi “có biến”. Sự yêu thương với liều lượng kiểm soát nhiều hơn bình thường khiến những đứa con đôi khi cảm thấy ngộp thở, mất đi phần nào sự tự do cũng như cảm giác được lắng nghe, trân trọng mà bất kì con người nào cũng cần có.

Đâu đó giữa những dòng tiếc thương đang phủ đầy mạng xã hội vẫn có những bình luận trách móc “sao chịu đựng kém thế”, “mới tí đã nghĩ quẩn”… Người lớn đã từng làm trẻ con, nhưng trẻ con thì chưa từng làm người lớn. Những cô cậu bé 15, 16 tuổi, cơ thể tuy đã lớn tướng vì đang bước vào tuổi dậy thì, nhưng cái tôi, lòng tự trọng, sự thấu hiểu và chấp nhận bản thân vẫn chỉ mới ở level “mầm non”, một cơn bão đi qua là có thể dập nát không hẹn ngày sống lại.

“Hãy tin rằng mọi vấn đề, dẫu từng rất khủng khiếp và khiến em cảm thấy kiệt quệ, thật ra đều có thể giải quyết”

Nhiều đứa trẻ sau này sẽ chẳng nhớ nổi năm đó mình rớt môn gì, thiếu bao nhiêu điểm hoặc sự khát khao vào trường chuyên lớp chọn từng cháy bỏng ra sao, nhưng cảm giác khi lần đầu bị gắn mác “dốt”, “kém”, “thất bại”, “thua cuộc”… chắc chắn là thứ sẽ đi theo cả đời và mất nhiều thời gian để gột sạch.

Cậu bạn thân của tôi từng áp lực đến mức chuyển từ Phan Thiết ra Hà Nội để học nốt cấp 3, đồng thời xác định sẽ không bao giờ nhìn mặt mẹ nữa vì những mâu thuẫn về chuyện học hành. Bẵng đi hơn chục năm, cậu và mẹ đã ngồi lại cùng nhau, yêu thương và học cách hàn gắn mọi thứ. Tuy nhiên cái khoảnh khắc bị mẹ ép ra hành lang chung cư quỳ gối suốt 5 tiếng, trước ánh mắt tò mò của tất cả hàng xóm chỉ vì điểm thi thấp mãi là một vết xước trong kí ức của cậu.

Xem thêm:  Vụ chủ shop đánh đập, cắt áo ngực của cô gái vì nghi ăn trộm: Công an trắng đêm khám xét, tịch thu toàn bộ hàng hoá trong cửa hàng

Tôi biết nhiều người trẻ khác, dù đã có nhiều thành tựu trong cuộc sống và đạt đến ngưỡng khiến người xung quanh phải miêu tả họ bằng từ “mơ ước” nhưng đâu đó vẫn có những góc khuất không thể nào giải quyết được trong lòng. Những thứ mà người lớn mặc định là sự khắt khe cần thiết của 20, 30 năm trước như một khối u đã mưng mủ, chai sần và trở thành một phần trong cơ thể, trong tâm trí của những đứa trẻ ấy từ lúc nào không hay.

Quay ngược lại 11 năm trước, thật may vì sự nhút nhát đã kéo tôi về với thực tại. Tất cả những gì tôi nhớ là mình đã vào phòng, kéo chiếc tủ quần áo to đùng chặn tủ lại, lần đầu tiên gọi điện cho đứa bạn thân để khóc nấc suốt 30 phút rồi ngủ quên lúc nào không hay khi vẫn còn đang mặc trên mình bộ quần áo ướt sũng nước mưa. Nhiều năm về sau, cái sự kiện tưởng chừng có thể bóp chết tôi năm ấy chỉ còn lại như một chấm tròn tí hon trên hành trình trưởng thành đầy màu sắc, một chấm nhỏ đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi.

Cách đây 10 năm, một cây bút kì cựu của The New York Times đã phỏng vấn hàng trăm người sống sót sau khi chọn cách tự tử tại Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Tất cả những người mà cô gặp đều thừa nhận rằng khi đã rơi được 2/3 quãng đường, họ mới nhận ra rằng mọi vấn đề, dẫu từng rất khủng khiếp và khiến họ cảm thấy kiệt quệ, thì ra đều có thể giải quyết được.

Xem thêm:  Vừa nhảy việc, cảm thấy không thể hoà hợp với đồng nghiệp: 3 bước để không bị cô lập chốn công sở

Mọi-vấn-đề.

“Hãy tin rằng mọi vấn đề, dẫu từng rất khủng khiếp và khiến em cảm thấy kiệt quệ, thật ra đều có thể giải quyết”

Tôi không dám chắc cậu bé kia đã cảm nhận được điều tương tự. Hoặc đơn giản lúc đó trong đầu cậu vẫn còn đang đặc quánh những cơn sóng thần cảm xúc chẳng thể nào sắp xếp ổn thoả. Mãi mãi không ai biết được câu trả lời.

Người ta vẫn khuyên người trẻ phải dũng cảm, phải “go for it”, nhưng đôi khi một chút hèn nhát, sợ sệt cũng là thứ cần thiết để cân bằng cho các quyết định trong đời. Hèn nhát để biết rằng bất kỳ vấn đề nào được sinh ra cũng đều đi kèm với giải pháp. Sợ hãi để biết có những bước đi một khi đã thực hiện sẽ chẳng thể quay đầu. Cả một chút ích kỉ để bảo vệ và đối xử dịu dàng với bản thân, ngay cả khi những người xung quanh và thế giới chưa cho mình được điều đó. 

Có một câu đố vui: “Đố em biết bố mẹ em bao nhiêu tuổi?”. Câu trả lời là, em bao nhiêu tuổi thì bố mẹ cũng bấy nhiêu tuổi, bởi vì có ai vừa mới sinh ra đã biết làm bố, làm mẹ, biết nuôi nấng dưỡng dục một đứa trẻ thuần thục không chút sai sót cơ chứ. Mọi thứ đều là sự vỡ lẽ, đều là những khoảnh khắc “ồ”, “à”, “hoá ra là vậy”… Ngày em sinh ra đời là ngày bố mẹ bắt đầu khoá học trọn đời làm phụ huynh. Một khoá học gian truân, vất vả mà bất kì ai đặt chân vào cũng mang bên mình sự hoang mang, ngơ ngác. Hi vọng rằng tất cả bố mẹ sẽ chăm chỉ và tinh ý khi học hành, cũng như các em luôn bao dung và nhẫn nại chờ bố mẹ “thành tài”.

“Hãy tin rằng mọi vấn đề, dẫu từng rất khủng khiếp và khiến em cảm thấy kiệt quệ, thật ra đều có thể giải quyết”

https://kenh14.vn/hay-tin-rang-moi-van-de-dau-tung-rat-khung-khiep-va-khien-em-cam-thay-kiet-que-that-ra-deu-co-the-giai-quyet-20220402165616445.chn

Nhật Chung/ Design: Huyền Trang



[ad_2]

Đăng bởi: THPT An Giang

Chuyên mục: Góc Cuộc Sống