Hình tượng người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp

Photo of author

By THPT An Giang

[ad_1]

Nội dung đang xem: Hình tượng người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp

Hình tượng người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng mới để ôn thi vào lớp 10 hiệu quả. Qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn những công lao to lớn của những người lính trong công cuộc giải phóng đất nước.

/data/image/2023/05/08/Nguoi-linh-700.jpg

Hình tượng người lính, tinh thần chiến đấu quên mình của họ đã khắc sâu vào trái tim bao thế hệ. Vẻ đẹp ý chí, tâm hồn của những người lính được soi chiếu từ nhiều góc độ, qua các tác phẩm văn học đã cho chúng ta thấu hiểu hơn. Chi tiết mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây:

Hình tượng người lính trong thơ ca kháng chiến chống Pháp

Trong kháng chiến chống Pháp: Vẻ đẹp người lính thường gắn bó với vẻ đẹp bình dị. Họ nhanh chóng trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hy vọng của cả dân tộc. Tố Hữu đã nói hộ tình cảm của nhân dân đối với anh Vệ quốc quân:

“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!”
(Cá nước – Tố Hữu)

Anh bộ đội Cụ Hồ vốn là những nông dân mặc áo lính mang trong mình lí tưởng cao đẹp. Vì sự sống còn của Tổ quốc, họ tạm biệt bến nước sân đình, bãi mía nương dâu để ra đi chiến đấu. Ta hãy nghe lời tâm sự của họ khi nói về quê hương mình:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
(Đồng chí – Chính Hữu)

Họ ra đi, để lại nơi quê nhà người mẹ già, người vợ trẻ một nắng hai sương cày sâu cuốc bẫm. Trần Hữu Thung đã khắc hoạ thành công hình ảnh anh Vệ quốc quân nông dân qua trí nhớ của người vợ. Trong buổi tòng quân rộn ràng tiếng trống, thấp thoáng bóng cờ, ngay phút tiễn đưa bịn rịn, anh vẫn không quên nhắc vợ:

“Ruộng mình quên cày xới
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt”
(Thăm lúa – Trần Hữu Thung)

Cái chất nông dân thuần phác ấy mới đáng qúy làm sao, và chính nó sẽ làm nên sức mạnh để anh vượt qua mọi gian khổ chiến thắng kẻ thù. Các anh sẵn sàng ra đi với một quyết tâm lớn lao, sẵn sàng hy sinh riêng mình vì lí tưởng cao đẹp, đó là lí tưởng giải phóng đất nước, giải phóng quê hương, giải phóng chính cuộc đời mình khỏi lầm than nô lệ:

Xem thêm:  Bộ đề thi thử vào 10 môn Toán Thanh Hóa 2023

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay…”
(Đồng chí – Chính Hữu)

Hình ảnh các anh khác xa lắm với hình ảnh người lính thú trong ca dao xưa:

Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa
(Ca dao)

Ta như thấy người lính thú hiện lên thật tội nghiệp, đáng thương. Họ bước đi bởi tiếng trống giục và trong nước mắt, bởi họ hiểu rằng họ buộc phải đi làm điều mà mình không muốn. Phía trước họ là những cuộc khởi nghĩa của nông dân, là đồng bào của chính mình. Họ cũng hiểu rằng máu xương họ đổ xuống chỉ để dìm thêm cuộc sống của bao người trong màn đêm đen tối.

Các anh cũng khác xa lắm người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”. Người chinh phụ ấy ra đi trong tiếng nức nở xé lòng của người chinh phụ, trong nỗi chán chường, kinh sợ cảnh binh đao.

Cũng là ra trận, cũng là đi chiến đấu nhưng người lính thú, hay người chinh phụ xưa làm sao có được tư thế hiên ngang, đường hoàng và hăm hở như người chiến sĩ Việt Nam trong thơ cách mạng:

Những buổi vui sao cả nước lên đường
Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục.
Xóm dưới làng trên, con trai con gái
Xôi nắm cơm đùm rối rít theo nhau…
(Đường ra mặt trận – Tố Hữu)

Các anh là những người có ý chí nghị lực phi thường, vượt lên trên mọi gian khổ khó khăn trong cuộc chiến đấu:

Kháng chiến bắt đầu từ những ngày gian nan vất vả, bắt đầu từ tiếng cuốc phá đường đến tiếng đục nhà để tiêu thổ kháng chiến. Hình ảnh anh Vệ quốc quân đi vào thơ ca cũng từ những ngày tháng gian nan ấy. Hầu hết các nhà thơ không thi vị hoá người chiến sĩ, không khoác cho các anh lớp vỏ chiến binh dày dạn phong trần mà họ nhìn người lính với cái nhìn đồng chí, đồng đội. Họ rất hiểu các anh và tìm thấy ở các anh vẻ đẹp kì lạ trong những năm tháng chiến đấu, đó là tinh thần vượt khó, chịu đựng gian lao. Để rồi trong thơ họ, các anh hiện lên thật chân thực và cảm động.

Xem thêm:  Điểm chuẩn lớp 10 năm 2022 Lâm Đồng

Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, các anh là những người trực tiếp chịu biết bao hy sinh gian khổ. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, giờ đây đọc lại những vần thơ của Chính Hữu, mấy ai không cầm được nước mắt, không khâm phục sức chịu đựng phi thường của những người nông dân mặc áo lính:

“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
(Đồng chí – Chính Hữu)

Bao đêm các anh phải ngủ ngoài rừng:

“Trải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Trời thì mưa lâm thâm…”
(Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ)

Hay:

‘’Ngày lại ngày đi, vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Đêm mưa rình giặc, tai thao thức,
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương ”
(Giết giặc – Tố Hữu)

Và:

“Năm mươi sáu ngày đêm
Khoét núi, ngủ hầm,
Mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn…”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Bởi vậy, không thể coi là cường điệu khi ta đọc những vần thơ viết về trung đoàn Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Sự thật ở trung đoàn này, rất nhiều chiến sĩ bị sốt rét đến nỗi nhiều người bị rụng hết tóc:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
(Tây Tiến – Quang Dũng)

Trong những năm tháng gian lao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người lính đã cùng nhau chia ngọt xẻ bùi, vào sinh ra tử có nhau. Tình đồng chí đồng đội ngày thêm keo sơn gắn bó. Bên nhau, các anh cùng nhau chia sẻ mọi tâm tư nỗi niềm. Anh hiểu tôi, cũng như tôi hiểu anh, tất cả cùng chung nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ quê hương. Họ hiểu rằng, ở nơi xa xôi ấy, quê hương cũng đang ngày đêm nhớ thương mình:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
(Đồng chí – Chính Hữu)

Họ chia sẻ cùng nhau nỗi nhớ mẹ nơi quê nhà đến cồn cào cháy bỏng, nhớ mẹ và hiểu được tấm lòng của mẹ:

Xem thêm:  Bộ 80 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Tiếng Anh

“Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm
Bầm ơi có rét không bầm?
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non.
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần…”
(Bầm ơi – Tố Hữu)

Hay chia sẻ cùng nhau cả những điều sâu kín trong trái tim tuổi trẻ:

“Đằng nớ vợ chưa?
Đằng nớ?
Tớ còn chờ độc lập!”
(Nhớ – Hồng Nguyên)

Lúc thiếu thốn, khi ốm đau, tình đồng chí đã giúp họ thêm sức mạnh “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” (Đồng chí – Chính Hữu). Cái nắm tay không lời mà như biết nói bao lời. Cái nắm tay như truyền cho nhau sức mạnh, ý chí và niềm tin, truyền cho nhau hơi ấm tình người, sưởi ấm lòng nhau, sưởi ấm cả đôi bàn chân không giày trong buốt giá. Cảm động biết bao nhiêu mối quan hệ tốt đẹp của những người cùng chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.”
(Đồng chí – Chính Hữu)

Đời lính đâu phải chỉ có khói bom và thuốc súng. Với tâm hồn rộng mở, trong sáng, người lính cũng có những phút giây, những kỉ niệm thật êm đẹp, thơ mộng. Giữa cảnh núi rừng mênh mông yên tĩnh, trong màn sương muối lạnh lẽo phủ dày, trong tư thế sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, người lính vẫn thả hồn mình tìm đến với vẻ đẹp của vầng trăng, vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của vầng trăng, thấy vầng trăng như treo nơi đầu súng:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng, trăng treo.”
(Đồng chí – Chính Hữu)

Những giây phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh, các anh thật hồn nhiên, trẻ trung:

‘’Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.”
(Nhớ – Hồng Nguyên)

Thơ ca kháng chiến chống Pháp đã xây dựng thành công hình ảnh người lính. Năm tháng đã và sẽ trôi qua nhưng những bài thơ viết về người lính trong giai đoạn lịch sử oanh liệt này vẫn còn mãi trong nền văn học dân tộc, trong lòng người dân Việt, mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

[ad_2]

Đăng bởi: THPT An Giang

Chuyên mục: Học Tập