QUY CHẾ CHUYÊN MÔN NĂM HỌC 2020-2021

Photo of author

By THPT An Giang

Chào mừng bạn đến với blog chia sẻ Trường THPT An Giang trong bài viết về ” Quy chế chuyên môn trường tiểu học “. Chúng tôi sẽ cung cấp và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức dành cho bạn.

QUY CHẾ CHUYÊN MÔN

TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG CHÂU

NĂM HỌC 2020 – 2021

Căn cứ Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Điều lệ trường tiểu học;

Căn cứ Thông tư số 36/1999/TT-BGDĐT ngày 27/9/1999 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với ngành GD&ĐT;

Căn cứ Quyết định số 48/2000/QĐ-BGDĐT ngày 13/11/2000 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy chế đánh giá, xếp loại chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học;

Căn cứ Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 16/2006/TT-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học;

Căn cứ Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28/9/2016 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy định đánh giá học sinh Tiểu học;

Căn cứ Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ GD&ĐT về việcban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học;

Căn cứ Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ GD&ĐT ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT ngày 22/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp cơ sở giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 04/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục;

Căn cứ Thông tư số 43/2006/TT-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ GDĐT hướng dẫn về thanh tra toàn diện hoạt động sư phạm (HĐSP) của giáo viên;

Căn cứ Công văn số 106/TTr ngày 31/3/2004 của Thanh tra Bộ GDĐT

hướng dẫn về thanh tra xếp loại toàn diện HĐSP của giáo viên phổ thông;

Căn cứ Công văn số 3040/BGDĐT-TCCB ngày 17/4/2006 của Bộ GDĐT hướng dẫn một số điều về “Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông”;

Căn cứ Hướng dẫn nội bộ của Thanh tra Sở GD&ĐT về kiểm tra xếp loại toàn diện hoạt động sư phạm của giáo viên.

Căn cứ Công văn số 828/PGD&ĐT V/v hướng dẫn xây dựng Quy chế chuyên môn cấp Tiểu học

Căn cứ đề xuất của cán bộ quản lý, giáo viên của Trường Tiểu học Quảng Châu; nhằm thống nhất các quy định về nền nếp hoạt động chuyên môn trong nhà trường, Trường Tiểu học Quảng Châu ban hành Quy chế chuyên môn Trường Tiểu học Quảng kể từ năm học 2020-2021 như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1. Quy chế chuyên môn quy định về các hoạt động chuyên môn trong nhà trường; quy định hồ sơ chuyên môn, quy định việc ghi chép, sử dụng và quản lý hồ sơ chuyên môn của giáo viên, tổ chuyên môn, bộ phận được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong nhà trường;

1.2. Đối tượng thực hiện quy chế này là toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, nhân viên nhà trường.

2. Mục đích, yêu cầu

2.1. Quy chế chuyên môn trong nhà trường nhằm áp dụng thống nhất các quy định về nền nếp hoạt động chuyên môn, hồ sơ sổ sách của cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, nhân viên trong trường. Tạo thuận lợi cho tổ chuyên môn và lãnh đạo nhà trường trong việc quản lý, tổ chức và chỉ đạo công tác chuyên môn.

2.2. Quy chế chuyên môn là cơ sở để Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tổ chức thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, nhân viên trong tháng, học kì và năm học; là căn cứ để đánh giá, xếp loại chuẩn Hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT; đánh giá xếp loại viên chức và bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm học.

2.3. Mọi cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, nhân viên có trách nhiệm thực hiện những nội dung quy định trong quy chế và tích cực góp phần xây dựng nền nếp, kỷ cương trong hoạt động chuyên môn của nhà trường.

2.4. Cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, nhân viên phải học tập, nghiên cứu, nắm vững và thực hiện đúng điều lệ trường học, các thông tư, văn bản hướng dẫn đánh giá – xếp loại giờ dạy, đánh giá, xếp loại học sinh và các quy định có liên quan của Ngành giáo dục và đào tạo.

II. NỘI DUNG QUY CHẾ CHUYÊN MÔN

1. Quy định nền nếp Tổ chuyên môn

1.1. Chế độ sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn

– Tổ (nhóm) chuyên môn sinh hoạt ít nhất hai tuần một lần để thực hiện các nhiệm vụ của tổ (nhóm) chuyên môn trên tinh thần xây dựng môi trường thân thiện, tích cực, tự học để nâng cao trình độ và phát triển năng lực chuyên môn.

– Nội dung sinh hoạt chuyên môn: Tổ chức sinh hoạt tổ (nhóm) chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, dạy học phù hợp với đối tượng, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; không đánh giá, không xếp loại giờ dạy của giáo viên. Tập trung vào tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong chuyên môn.

Cần ghi đầy đủ ý kiến trao đổi, thảo luận nội dung sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề hoặc sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Chủ tọa cuộc họp kết luận các vấn đề trao đổi, thảo luận.

1.2. Hồ sơ của tổ chuyên môn gồm

– Kế hoạch hoạt động chuyên môn của tổ;

– Sổ ghi chép nội dung các hoạt động của Tổ chuyên môn (ghi nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn; theo dõi thi đua; danh sách và nội dung giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi,…);

– Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục; Báo cáo sơ kết của tổ chuyên môn theo kì và năm học được lưu trong hồ sơ tổ chuyên môn;

– Các minh chứng hồ sơ làm chuyên đề của tổ chuyên môn bao gồm: Kế hoạch thực hiện chuyên đề; Báo cáo chuyên đề thể hiện trong Sổ ghi chép của Tổ chuyên môn. Hồ sơ tổ chuyên môn do Tổ tr­ưởng chuyên môn quản lý và l­ưu lại ít nhất 5 năm.

2. Quy định về nền nếp chuyên môn của giáo viên

2.1. Quy định về hồ sơ, sổ sách của giáo viên

– Kế hoạch dạy học;

– Sổ Nghị quyết (ghi nghị quyết các cuộc họp của các tổ chức đoàn thể, HĐSP, HĐTĐKT, HĐKL,….);

– Kế hoạch bài dạy;

– Sổ ghi chép chuyên môn, Sổ dự giờ và Sổ theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh;

– Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm);

– Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội);

– Hồ sơ giáo dục học sinh khuyết tật nếu có;

(Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trongcông tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy).

2.2. Quy định về việc thực hiện Chương trình và thời khóa biểu

– Chương trình giáo dục:

+ Giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học theo bộ môn, khối lớp được phân công theo khung thời gian 35 tuần học theo Quyết định số 16/2006/TT-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (đảm bảo các nội dung giảm tải của Bộ GD&ĐT)Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

+ Kế hoạch bài dạy, Kế hoạch dạy học của giáo viên phải nộp đúng thời gian quy định, được tổ chuyên môn hoặc lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện.

– Thời khóa biểu: Thực hiện nghiêm túc các tiết dạy trong thời khóa biểu (khi có điều chỉnh phải thể hiện trong kế hoạch bài dạy và kế hoạch dạy học).

Xem thêm:  Top là gì trong liên quân? Lưu ý cần biết khi đường top

2.3. Quy định về xây dựng Kế hoạch bài dạy

2.3.1. Xây dựng Kế hoạch bài dạy đầy đủ theo Kế hoạch dạy học tuần đã được phê duyệt. Trình bày khoa học, rõ ràng, sạch đẹp, đúng quy cách. Không ngừng cải tiến ph­ương pháp giảng dạy, kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

2.3.2. Kế hoạch bài dạy thực hiện theo chủ đề hoặc theo tiết, không sử dụng Kế hoạch bài dạy của năm học trước; không đ­ược sao chép của ngư­ời khác.

– Kế hoạch bài dạy chỉ được chuẩn bị trước ngày bắt đầu dạy nhiều nhất 07 ngày và ít nhất 3 ngày làm việc. Kế hoạch bài dạy đúng, đủ theo Kế hoạch dạy học đã xây dựng và được lãnh đạo Tổ chuyên môn hoặc lãnh đạo nhà trường kí duyệt hàng tuần trước khi dạy.

– Kế hoạch bài dạy được lãnh đạo nhà trường kiểm tra ít nhất 02 lần/học kỳ. Nội dung Kế hoạch bài dạy bám sát vào Chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng việc “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh”.

2.3.3. Kế hoạch bài dạy đư­ợc thực hiện theo các cách: Viết tay hoặc thực hiện trên máy vi tính (phông chữ Time New Roman, cỡ chữ 13 hoặc 14 và in theo khổ A4), đóng thành tập. Kế hoạch bài dạy thực hiện trên máy vi tính phải đảm bảo chất lượng, trình bày rõ ràng, sạch đẹp.

Khi lên lớp giáo viên phải có Kế hoạch bài dạy (viết tay hoặc in trên giấy) do giáo viên trực tiếp thực hiện; các trường hợp đặc biệt phải báo cáo xin ý kiến của Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được phân công, ủy quyền.

2.4. Quy định về thực hiện tiết dạy trên lớp

– Giáo viên ra vào lớp đúng giờ. Nếu giáo viên vi phạm sẽ được tính như nghỉ tiết dạy không có lý do;

– Tr­ước mỗi tiết học, giáo viên phải kiểm tra sĩ số học sinh, trực nhật, vệ sinh và các quy định khác của nhà trư­ờng;

– Việc kiểm tra bài cũ được thực hiện linh hoạt trong tiết học;

– Hoàn thành ch­ương trình giáo dục đúng thời gian quy định.

2.5. Quy định về kiểm tra, đánh giá đối với học sinh tiểu học

2.5.1. Việc đánh học sinh tiểu học

– Học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/TT-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ GD&ĐT thì thực hiện đánh giá học sinh theo Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28/9/2016 của Bộ GD&ĐT.

– Học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT thìthực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ GD&ĐT.

2.5.2. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kì học sinh tiểu học

Các giáo viên thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì theo kế hoạch của nhà trường; thực hiện coi nghiêm túc không để xảy ra hiện tượng học sinh gian lận trong kiểm tra. Nếu học sinh chưa được dự kiểm tra thì giáo viên báo cáo với Hiệu trưởng, bố trí cho học sinh kiểm tra bù.

2.5.3. Việc ra đề kiểm tra định kỳ các môn học

– Tổ (nhóm) chuyên môn xây dựng ma trận đề kiểm tra và tổ chức ra đề kiểm tra, đáp án, biểu điểm nộp cho lãnh đạo nhà trường trước thời điểm kiểm tra 2 tuần (10 ngày làm việc) để thẩm định đề.

+ Đề kiểm tra định kì (gồm ma trận, đề ghi rõ 4 mức độ nhận thức; đề dành cho HS và đáp án) phải phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực của học sinh đối với học sinh đang học Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/TT-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ GD&ĐT.

+ Đề kiểm tra định kì (gồm ma trận, đề ghi rõ 3 mức độ nhận thức; đề dành cho HS và đáp án) phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học đối với học sinh đang học Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT.

– Lãnh đạo nhà trường kiểm tra, ký duyệt, giao bộ phận in sao đề để tổ chức kiểm tra. Việc ra đề kiểm tra phải đảm bảo tính bảo mật đề kiểm tra theo quy định của ngành GD&ĐT.

2.5.4. Việc chấm, trả bài kiểm tra

– Bài kiểm tra được giáo viên chấm chính xác, đúng đáp án, biểu điểm; sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.

– Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với lãnh đạo nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

– Sau khi chấm xong, giáo viên cho học sinh xem bài kiểm tra định kì, giáo viên nộp toàn bộ bài kiểm tra của học sinh cho Phó hiệu trưởng để kiểm tra lại. Bài kiểm tra được trả lại cho học sinh lưu giữ.

2.6. Quy định về dự giờ, thao giảng, hội thi giáo viên dạy giỏi, sinh hoạt chuyên đề, sáng kiến

2.6.1. Dự giờ

– Số tiết dự giờ theo quy định:Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng dự giờ tối thiểu 4 tiết/tháng; các tổ trưởng, tổ phó, giáo viên dự giờ tối thiểu 2 tiết/tháng (GV mới ra trường dự giờ: 1 tiết/tuần). GV dự giờ ít nhất 18 tiết/năm hoặc 9 tiết/kỳ.

– Sau khi dự giờ phải được trao đổi, thảo luận, tham gia góp ý hoàn thiện tiết dạy sao cho hiệu quả.

2.6.2. Dạy thao giảng cấp trường

– Tất cả giáo viên dạy thao giảng ít nhất 01 tiết/năm học (có thể nằm trong Kế hoạch tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường).

Tiết dạy thao giảng được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết học đó và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 03 ngày.

Tất cả các giáo viên trong cùng tổ chuyên môn không có giờ dạy phải đi dự đầy đủ. Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm bố trí, sắp xếp để có nhiều giáo viên cùng bộ môn trong tổ được dự, thảo luận, chia sẻ.

– Tiết dạy thao giảng đ­ược nhận xét ghi vào phiếu đánh giá giờ dạy theo mẫu quy định của Sở GD&ĐT. Phiếu đánh giá giờ dạy sẽ đ­ược l­ưu giữ trong hồ sơ nhà trường hàng năm.

– Hồ sơ 1 tiết dạy thao giảng được lưu hồ sơ chuyên môn của nhà trường.

2.6.3. Tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường

– Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường do nhà trường tổ chức. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm ban hành nội dung, kế hoạch tổ chức Hội thi cấp trường, thành lập Ban Tổ chức, thành lập Ban Giám khảo theo quy định; thông báo kế hoạch tổ chức đến giáo viên ít nhất 01 tháng trước thời điểm diễn ra Hội thi.

– Giáo viên tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường đảm bảo các tiêu chuẩn: Đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi, trong đó các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức tốt.

– Hồ sơ của Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường được lưu hồ sơ chuyên môn của nhà trường.

2.6.4. Chuyên đề

– Mỗi tổ thực hiện ít nhất 2 chuyên đề/năm học, trong đó có ít nhất 01 chuyên đề cấp trường; GV thực hiện chuyên đề cùng với Tổ trưởng báo cáo, duyệt trước với Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng) ít nhất 03 ngày; sau đó in chuyên đề gửi các thành viên cùng chuyên môn để nghiên cứu trước khi thực hiện.

– Quy trình thực hiện:

+ Bước 1: Đầu năm học, Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn căn cứ nội dung khó, nội dung cần chuyên sâu, nội dung nâng cao để phân công giáo viên làm chuyên đề, xây dựng kế hoạch.

+ Bước 2: Tổ trưởng lựa chọn và tổng hợp chuyên đề của GV đăng ký để Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng) phê duyệt.

+ Bước 3: Giáo viên được phân công viết chuyên đề, nộp đề cương chuyên đề cho Tổ trưởng duyệt.

+ Bước 4: Giáo viên thực hiện chuyên đề cùng với tổ trưởng báo cáo, duyệt trước với Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng).

+ Bước 5: Báo cáo chuyên đề trong tổ, các tổ viên tham gia, đóng góp ý kiến, hoàn thiện chuyên đề.

Xem thêm:  Top 60 Viết đoạn văn tả ngoại hình của một người mà em thường

+ Bước 6: Dạy minh họa. Nhận xét góp ý để chốt nội dung chuyên đề cần thực hiện.

2.6.5. Sáng kiến, nghiên cứu khoa học

– Mỗi giáo viên đều phải luôn luôn đúc rút hoặc áp dụng sáng kiến để không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy và công tác.

– Khuyến khích giáo viên viết sáng kiến, tên sáng kiến đ­ược đăng ký với tổ, Ban giám hiệu trước ngày 25/9 hàng năm và được thực hiện trong suốt năm học.

Sáng kiến phải được viết công phu, cẩn thận tránh lặp lại của những năm học trước và nộp trước ngày 15/02.

– Những sáng kiến phù hợp, có hiệu quả và khả năng phát triển, áp dụng rộng rãi, nhà trường sẽ có hình thức biểu dương, đề xuất khen thưởng thích hợp.

– Tuyệt đối không sao chép công trình nghiên cứu khoa học của người khác làm sáng kiến của bản thân.

2.7. Quy định về việc sử dụng đồ dùng và các thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia công tác khác (PCGDXMC, KĐCL….)

2.7.1. Thực hành, thí nghiệm và sử dụng TBDH

– Giáo viên sử dụng thường xuyên, có hiệu quả bộ ĐDDH tối thiểu của nhà trường; khuyến khích làm thêm ĐDDH mới (tự làm đồ dùng theo nội dung và phương pháp được quy định trong chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương).

– Các tiết thí nghiệm thực hành, giáo viên phải chuẩn bị chu đáo và cẩn thận thiết bị dạy học.Việc mượn trả đồ dùng dạy học đúng quy định. Giáo viên đăng ký mượn trước 03 ngày để nhân viên phụ trách thiết bị – đồ dùng chuẩn bị. Đồ dùng dạy học trong ngày phải chuẩn bị sẵn trong lớp.

– Nhân viên thư viện – thiết bị có kế hoạch tạo điều kiện cho giáo viên mượn ĐDDH đầy đủ, kịp thời và có kế hoạch hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức cho học sinh thực hành, thí nghiệm cũng như các tiết dạy học ngoài trời theo yêu cầu của từng khối.

– Hàng tháng Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng) kiểm tra, nhận xét, đánh giá việc thực hiện nội dung này của giáo viên và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

(Đây là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện quy chế chuyên môn và chỉ tiêu thi đua cá nhân, của tổ chuyên môn).

2.7.2. Ứng dụng CNTT vào bài giảng

Tăng cường ứng dụng CNTT trong việc dạy học, khai thác thông tin trên mạng có lồng âm thanh, hình ảnh và bài dạy. Mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy điện tử và dạy tối thiểu 2 tiết/học kỳ trừ môn Thể dục (đây có thể xem là một chỉ tiêu thi đua trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy).

2.7.3. Tham gia các công tác khác nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình khi được lãnh đạo nhà trường phân công

3. Quy định về định mức lao động

– Định mức tiết dạy của Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

– Định mức tiết dạy của giáo viên Tiểu học là 23 tiết/tuần.

Việc giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm thực hiện theo Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

4. Quy định về một số loại hồ sơ sổ sách

4.1. Những quy định chung

-Việc ghi chép nội dung ở các loại hồ sơ sổ sách phải đầy đủ, đúng thông tin nội dung theo hướng dẫn của từng loại hồ sơ sổ sách.

– Các loại hồ sơ sổ sách chuyên môn (trừ những loại sổ đóng dấu giáp lai

theo qui định của Sở GD&ĐT) của trường được đóng dấu giáp lai trước khi sử dụng.

– Tất cả các loại hồ sơ sổ sách của nhà trường khi đã sử dụng thì không được đưa ra khỏi phạm vi nhà trường khi chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

4.2. Một số quy định cụ thể

4.2.1. Phần mềm CSDL ngành.

– Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với nhân viên văn thư cập nhật vào phần Sơ yếu lý lịch HS trên phần mềm CSDL đảm bảo chính xác, thống nhất với hồ sơ tuyển sinh và giấy khai sinh. Nội dung của các trang tiếp theo được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo tiến trình năm học.

– Điểm kiểm tra định kỳ của học sinh phải được giáo viên cập nhật sau khi được lãnh đạo nhà trường duyệt 03 ngày; điểm kiểm tra của mỗi môn học do chính giáo viên giảng dạy trực tiếp cập nhật vào phần mềm.

– Cuối mỗi kỳ giáo viên chủ nhiệm phải thống kê số học sinh nghỉ học có phép, không phép của cả lớp.

– Sau mỗi đợt kiểm tra, đánh giá định kì, bảng tổng hợp và học bạ phải được in ra từ phần mềm CSDL đưa vào hồ sơ lưu trữ của nhà trường.

4.2.2. Kế hoạch dạy học (lịch báo giảng);

– Giáo viên lập kế hoạch dạy học theo mẫu chung đầy đủ, thường xuyên, đúng quy định, đúng thời khóa biểu và Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ghi đầy đủ nội dung các cột mục theo quy định;

– Giáo viên phải có kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học, phòng học bộ môn, phòng chức năng theo từng tuần và đăng ký với nhân viên hoặc giáo viên phụ trách phòng thiết bị đồ dùng dạy học, phòng chức năng (trước 1 tuần dạy).

4.2.3. Kế hoạch bài dạy

– Hình thức Kế hoạch bài dạy:

+ Ghi rõ: Tuần dạy; Thứ, ngày, tháng, năm dạy.Môn học; tên đầu bài, hết bài kẻ ngắn, hết ngày kẻ dài.

+ Trình bày khoa học, đúng thể thức văn bản, sử dụng phông chữ Times New Roman; cỡ chữ 13 hoặc 14.

+ Được đánh máy hoặc viết trên khổ giấy A4, trình bày theo quy định chung của nhà trường.

– Nội dung Kế hoạch bài dạy: Tên bài dạy ghi theo Kế hoạch dạy học, ghi rõ các hoạt động của giáo viên, học sinh. Bám sát tiến trình của tiết dạy…; lồng ghép với nội dung giáo dục: Bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ANQP,…

– Giáo viên lập Kế hoạch bài dạy trên máy tính phải biết sử dụng thành thạo

máy tính và có đơn đề nghị soạn bài trên máy tính và được Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng) ký duyệt đồng ý.

4.2.4. Sổ dự giờ và ghi chép sinh hoạt chuyên môn

– Phần sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn: Giáo viên ghi chép đầy đủ nội dung các buổi sinh hoạt liên quan đến chuyên môn như tập huấn, hội thảo, chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường; tự bồi dưỡng chuyên môn, thu thập tư liệu liên quan đến chuyên môn giảng dạy. Bồi dưỡng chuyên môn của trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo từng năm học trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên;

– Phần sổ dự giờ: Ghi đầy đủ nội dung dự giờ, có nhận xét tiết dạy và kí xác nhận của người dạy.

4.2.5. Bảng tổng hợp theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh

– Ghi đầy đủ và đúng danh sách học sinh của lớp;

– Việc vào điểm phải đúng kết quả kiểm tra của học sinh, đúng cột điểm;

– Việc cập nhật kết quả học tập của học sinh phải thực hiện thường xuyên;

– Cập nhật kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh lên Hệ thống thông tin quản lý giáo dục sau mỗi đợt kiểm tra, đánh giá định kì.

4.2.6. Sổ chủ nhiệm

Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm hoàn tất theo từng nội dung yêu cầu về thông tin ở từng trang và đúng theo thời gian quy định; GVCN cập nhật nội dung yêu cầu về thông tin từng tuần sau buổi sinh hoạt lớp.

4.2.7. Sổ đăng bộ

– Các thông tin qui định đối với mỗi học sinh do nhân viên văn thư trực tiếp ghi hoặc giáo viên được Hiệu trưởng phân công (đối với nhà trường không có nhân viên văn thư).

– Hàng năm, học sinh mới tuyển vào trường, học sinh chuyển trường hoặc đi trường khác phải được kịp thời bổ sung tên, địa chỉ đi, đến trong sổ đăng bộ.

4.2.8. Học bạ (sử dụng học bạ điện tử)

– Giáo viên bộ môn có nhiệm vụ ghi kết quả học tập của học sinh và in từ cơ sở dữ liệu ngành sau mỗi học kì, trước khi kết thúc năm học.

– Giáo viên chủ nhiệm ghi đầy đủ thông tin trong sổ, nhận xét ý thức rèn luyện phấn đấu của học sinh trong học bạ vào cuối năm học. Nhận xét phải đầy đủ về ý thức thực hiện nền nếp, nhận thức, danh hiệu,… của học sinh. Theo dõi việc nhận xét, đánh giá kết quả học tập các môn học của lớp mình nếu có hiện tượng bất thường (thất lạc, tẩy xóa, thay trang,…) báo cáo trực tiếp với Hiệu trưởng.

– Học bạ của học sinh phải được hoàn thiện trước ngày 31/5 hàng năm.

Xem thêm:  Top Các Hoạt Động Tình Nguyện Nâng Cao Giá Trị Bản Thân

– Những học sinh sau khi rèn luyện trong hè được xét lên lớp hay phải học lại cần được ghi rõ. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm ký xác nhận vào học bạ của học sinh xong trước ngày khai giảng năm học mới.

4.2.9. Sổ theo dõi học sinh chuyển đi, chuyển đến

Khi thiết lập sổ theo dõi học sinh chuyển đi, chuyển đến cần có những thông tin tối thiểu sau đây:

– Danh sách học sinh chuyển đi: Họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, lớp đang học, ngày chuyển đi, nơi chuyển đến, lý do, các hồ sơ chuyển đi, người nhận hồ sơ (họ tên, chữ ký), người cấp, ngày cấp, đơn xin chuyển đi…

– Danh sách học sinh chuyển đến: Họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, nơi học trước khi chuyển đến (lớp, trường, tỉnh, thành phố…) ngày chuyển đến, người ký và cơ quan cấp giấy chuyển đến, các hồ sơ chuyển đến gồm có (hồ sơ đã có, hồ sơ còn thiếu hoặc chưa hợp lệ, ngày gia hạn bổ sung nếu có) người nhận hồ sơ (họ tên và chữ ký), ngày nhận hồ sơ, bố trí vào lớp nào…

4.2.10. Sổ Nghị quyết nhà trường

Thư ký Hội đồng trường ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ nội dung của từng cuộc họp; chú ý ghi đầy đủ ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong từng cuộc họp. Sau mỗi cuộc họp, chủ tọa và thư ký Hội đồng ký tên.

5. Quy định về chế độ thông tin, báo cáo

– Các bộ phận, cá nhân sau khi đi dự họp, chuyên đề, tập huấn, hội thảo… ở cấp trên về, phải có trách nhiệm báo cáo lại nội dung đảm bảo kịp thời, chính xác với Hiệu trưởng để triển khai thực hiện trong nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn.

– Các bộ phận, cá nhân thực hiện nghiêm chế độ báo cáo với Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng được ủy quyền) theo quy định của từng loại báo cáo. Nộp các loại báo cáo đúng thời gian, chính xác theo yêu cầu.

– Nghiêm cấm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cung cấp thông tin, hồ sơ chuyên môn của nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên, học sinh cho các tổ chức, cá nhân khi chưa được sự cho phép của Hiệu trưởng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Hiệu trưởng

– Phổ biến, triển khai đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nội dung quy định trong Quy chế này và gương mẫu thực hiện;

– Thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quy chế chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đơn vị. Định kỳ kiểm tra hồ sơ chuyên môn của CBQL, giáo viên ít nhất 02 lần/năm học.

– Kí duyệt Kế hoạch bài dạy của Phó Hiệu trưởng hoặc Tổ trưởng chuyên môn (cùng lĩnh vực) vào thứ 5 hoặc thứ 6 tuần 1,5,10,15,20,25,30,35.

– Điều chỉnh kịp thời Quy chế chuyên môn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của đơn vị.

2. Trách nhiệm của Phó Hiệu trưởng

– Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế chuyên môn; chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và pháp luật về nhiệm vụ được phân công;

– Giúp Hiệu trưởng chỉ đạo, quản lý, đôn đốc việc thực hiện Quy chế chuyên môn của giáo viên, nhân viên trong đơn vị;

– Giúp Hiệu trưởng kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quy chế của giáo viên, nhân viên trong đơn vị;

– Định kỳ, tham mưu giúp Hiệu trưởng kiểm tra hồ sơ chuyên môn của giáo viên ít nhất 02 lần/học kỳ;

– Tham mưu giúp Hiệu trưởng kiểm tra, dự giờ của giáo viên và việc tổ chức hoạt động dạy – học của các lớp;

– Kí duyệt Kế hoạch bài dạy của Hiệu trưởng và Tổ trưởng chuyên môn (cùng lĩnh vực) hàng tuần vào các tuần 1,5,10,15,20,25,30,35.

3. Trách nhiệm của Tổ trưởng chuyên môn

– Hướng dẫn các thành viên của Tổ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau; chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng được ủy quyền) về nền nếp và chất lượng sinh hoạt chuyên môn của tổ.

– Xây dựng và giải trình kế hoạch dạy học các môn học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học của tổ theo tuần, tháng, học kỳ và năm học. Tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn của trường, của Tổ chủ động và linh hoạt.

– Chủ trì tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 02 tuần một lần để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chuyên môn trên tinh thần xây dựng môi trường thân thiện, tích cực, tự học để nâng cao trình độ và phát triển năng lực chuyên môn.

– Tổ chức ít nhất 02 chuyên đề/năm học; 04 nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học trong năm học. Dự thảo nội dung chuyên đề (hoặc nội dung sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học) và trình Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng được ủy quyền) duyệt trước 03 ngày thực hiện.

– Chịu trách nhiệm ký duyệt kế hoạch bài dạy theo tuần; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc sử dụng đồ dùng dạy học của các thành viên trong tổ.

– Lưu và quản lý hồ sơ, sổ sách, bài kiểm tra, sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ của tổ chuyên môn theo quy định; tổng hợp báo cáo của tổ viên gửi về nhà trường đảm bảo chính xác, đúng thời gian quy định.

– Kí duyệt Kế hoạch bài dạy của Tổ phó và giáo viên vào thứ 5 hoặc thứ 6 hàng tuần (kí duyệt Kế hoạch bài dạy cho Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng ở đơn vị chỉ có 01 cán bộ quản lý). Đối chiếu chương trình, kỹ thuật lập Kế hoạch bài dạy; chịu trách nhiệm liên đới khi GV có vi phạm về Kế hoạch bài dạy.

– Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác do Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng được ủy quyền) phân công.

4. Trách nhiệm của Tổ phó chuyên môn

– Cùng với Tổ trưởng tham gia tổ chức hoạt động của tổ, ghi chép biên bản họp tổ, thay mặt Tổ trưởng điều hành công việc khi Tổ trưởng vắng mặt, chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động phong trào trong tổ và một số nhiệm vụ khác khi được Tổ trưởng phân công.

– Cùng Tổ trưởng kí duyệt Kế hoạch bài dạy của giáo viên theo phân công của Tổ trưởng vào thứ 5 hoặc thứ 6 hàng tuần. Đối chiếu chương trình, kỹ năng soạn bài; chịu trách nhiệm liên đới khi GV có vi phạm về Kế hoạch bài dạy.

– Tham mưu với Tổ trưởng, Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng được ủy quyền) về công tác tổ chức và phát triển công tác chuyên môn.

5. Trách nhiệm của Nhóm trưởng

– Giúp việc cho Tổ trưởng, Tổ phó; đôn đốc các hoạt động của các thành viên trong nhóm phụ trách; rà soát thống nhất chuyên môn của nhóm theo kế hoạch, chương trình giáo dục quy định.

– Chuẩn bị và báo cáo Tổ trưởng về nội dung sinh hoạt nhóm chuyên môn trước 02 ngày đối với mỗi buổi họp.

– Thẩm định Kế hoạch dạy học, đề kiểm tra các thành viên trong nhóm khi được Hiệu trưởng (hoặc Phó Hiệu trưởng được ủy quyền) phân công.

– Tổ chức sinh hoạt nhóm chuyên môn và ghi chép nội dung đã thống nhất trong Sổ dự giờ và ghi chép chuyên môn.

– Tham mưu với Tổ trưởng về công tác chuyên môn và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác do Tổ trưởng phân công.

6. Trách nhiệm của giáo viên tiểu học: Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các giáo viên nghiêm túc thực hiện nội dung quy định tại Quy chế này.

7. Trách nhiệm của nhân viên: Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các nhân viên thư viện, thiết bị, văn thư phối hợp với giáo viên để thực hiện tốt nội dung quy định tại Quy chế này.

8. Trách nhiệm của Tổ chức đoàn thể: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để phối hợp, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Quy chế chuyên môn có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Nếu cán bộ quản

lý, giáo viên tiểu học, nhân viên của trường vi phạm các điều, khoản trong Quy chế chuyên môn thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xem xét, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Quy chế chuyên môn được thông qua tập thể cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, nhân viên của trường đóng góp và thay thế cho Quy chế chuyên môn trước đây. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế chuyên môn phải thực hiện đúng quy trình xây dựng và ban hành Quy chế chuyên môn theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT và Hiệu trưởng xem xét quyết định.

HIỆU TRƯỞNG

Trần Thúy Quỳnh

Hưng Yên, ngày 26 tháng 11 năm 2020

NGƯỜI LẬP

Nguyễn Thị Thanh Thảo